Nền văn minh của nhân loại đã trải qua hơn 5000 nghìn năm thăng trầm và phát triển. Phần lớn các thời kỳ là cá lớn nuốt cá bé, lấy cái mạnh áp chế cái yếu, lấy cương cường khắc chế nhu thuận. Có thể thấy rằng, lấy mạnh chế yếu đã là điều tầm thường trong thiên hạ. Đó là logic, là lối suy nghĩ bình thường, tuyến tính.
Khoảng 700 năm trở lại đây, thông qua bậc thầy Đạo gia Trương Tam Phong, chúng ta được biết nhiều hơn cái phi thường của “lấy nhu thắng cương” hay “lấy bốn lạng địch ngàn cân”. Đó là lối tư duy phi logic, phi thường hay phi tuyến.
Trương Tam Phong là một bậc thầy đắc Đạo, thông hiểu thiên đạo, thấu hiểu nguyên lý vận hành của vạn vật, đã sáng chế ra Thái cực quyền và Thái cực kiếm là thiên cổ chưa từng xuất hiện. Không hề tuân theo những nguyên lý logic thông thường mà phi logic, có thể “lấy bốn lạng địch ngàn cân”.
Tư duy khác thường dựa trên nguyên lý “Mượn”. Tư duy phi logic này không chỉ được áp dụng hoàn hảo nơi võ học mà còn được vận dụng triệt để trong kinh doanh,đời sống và quân sự.
Có một thư viện nổi tiếng thế giới ở Anh quốc với lượng sách khổng lồ gồm các bộ sưu tập sách đa dạng, phong phú. Một lần, người ta muốn dọn dẹp lại thư viện và chuyển sách sang “nơi mới”. Tuy nhiên, sau khi tính toán thì số tiền vận chuyển lên đến con số quá lớn. Vậy phải làm sao đây?
Có người đưa ra cách giải quyết thế này. Đầu tiên, thư viện cho đăng mẫu tin như sau: “Bắt đầu từ hôm nay, bất kỳ người dân nào trong thành phố cũng đều có thể đến thư viện mượn miễn phí 10 quyển sách“. Kết quả là rất nhiều người chen chúc nhau đến. Chỉ trong vài ngày, sách trong thư viện đã được mượn sạch.
Sau đó, thư viện chỉ cần thông báo địa điểm mới để mọi người đến đọc và trả sách đã mượn. Cứ như vậy, thư viện đã “mượn lực” của mọi người để chuyển hết số sách của mình sang “nơi mới” mà không phải mất khoản tiền khổng lồ cho việc vận chuyển.
Nếu cứ theo tư duy logic bình thường thì quả thực tốn kém rất nhiều thời gian và công sức. Nhưng với tư duy phi logic thì số sách đã được di chuyển một cách đơn giản mà không tốn bao nhiêu chi phí.
Chỉ có thay đổi cách tư duy thì mới tạo ra giải pháp đột phá. Chỉ có thay đổi cách tư duy thì thế giới mới mở ra bao la và rộng lớn hơn.
Nhưng để nói về tư duy phi logic, tư duy “mượn lực” đem tới kết quả phi thường thì Gia Cát Lượng chính là thủy tổ. “Thuyền cỏ mượn tên” là điển tích thể hiện trí tuệ siêu việt, tư duy phi tuyến và tinh hoa thiên cổ hội tụ nơi Gia Cát Vũ Hầu.
Giữa bối cảnh thời Tam Quốc, lực lượng Bắc Ngụy do Tào Tháo làm thống soái vừa chiến thắng Viên Thiệu khí thế ngút trời nên dẫn hơn 80 vạn quân Nam tiến chinh phạt đất Đông Ngô do Tôn Quyền làm chủ.
Quân Ngô do đại tướng Chu Du thống lĩnh nghênh chiến địch. Phía Thục Hán nhận thấy mối nguy kề cận khi Đông Ngô thất thủ nên phải liên minh để cùng chống giặc. Khổng Minh đại diện nhà Thục sang hỗ trợ Đông Ngô.
Lại nói Chu Du cũng là một đại tướng hùng tâm thiên hạ, tài trí trên vạn người. Nhưng luôn đố kỵ với tài năng của Khổng Minh và luôn tìm cách hạ bệ hay thậm chí thủ tiêu ông.
Trước trận đại chiến với hơn 80 vạn quân địch, quân liên minh chỉ chưa được 50 vạn quân, tài lực, vật lực thua xa quân Ngụy. Nhưng Đông Ngô có lợi thế về thủy chiến, mà thủy chiến thì chú trọng hàng đầu là cung tên. Nên Chu Du cố tình giao cho Gia Cát Lượng phải chế tạo xong 10 vạn mũi tên trong vòng 10 ngày.
10 ngày mà nói là không thể hoàn thành được thậm chí chuẩn bị nguyên liệu không thôi cũng chưa chắc xong chứ nói gì đến hoàn thành. Nhưng Khổng Minh rất bình tĩnh mà trả lời rằng “việc quân khẩn cấp, chỉ cần 3 ngày” và sẵn sàng lập quân lệnh trạng nếu không hoàn thành xử theo quân lệnh.
Tất cả quan quân Đông Ngô đều vô cùng kinh ngạc và không dám tin rằng Khổng Minh có thể làm được trong chỉ 3 ngày. Nhưng Khổng Minh vẫn vô cùng ung dung, bình tĩnh và tự tin. Đó là cái bình tĩnh của kẻ đại trí chứ không phải cố tỏ ra vẻ bình tĩnh. Cái tĩnh lặng vô cùng từ sâu thẳm bên trong chứ không phải từ bên ngoài.
Sau đó, Khổng Minh âm thầm nhờ Tử Kính sắp xếp cho 20 chiếc thuyền, trên thuyền đặt hơn nghìn người rơm. Ngày thứ ba, nhân lúc thời sương mù dày đặc không nhìn thấy rõ, đã xua 20 thuyền sang gần doanh trại Tào Tháo khua chiêng múa trống khiêu khích.
Tào Tháo nhận định trời đầy sương mù nếu nghênh chiến dễ gặp mai phục nên chỉ cho quân lính ồ ạt bắn tên. Khổng Minh và Tử Kính ngồi trên thuyền uống trà đàm đạo và lượm tên. Khi một bên thuyền đầy tên lại chuyển bên kia hướng về phía quân Tào hứng nốt. Khi đã đầy tên rút về còn không quên hô lớn “Cảm ơn thừa tướng đã tặng tên”.
Đúng giờ hẹn, Khổng Minh đã giao cho Chu Du đủ 10 vạn mũi tên và không những thế lại còn tặng thêm hơn 2 vạn mũi tên dư nữa. Cách mượn tên từ quân địch để đánh địch vô cùng độc đáo và phi thường thể hiện lối tư duy phi logic của Khổng Minh. Chu Du dù có nghĩ nát óc cũng không ra, hổ thẹn vì tài trí không bằng.
Quả thực, Khổng Minh đã biến cái không thể thành có thể. Nếu tư duy logic thông thường đi chế tạo mũi tên thì không thể nào nhưng tư duy phi logic, đi “mượn” lực người “từ chính đối thủ” thì không gì là không thể.
Sự tầm thường thì chỉ cần tư duy bình thường “tư duy tuyến tính” nhưng sự phi thường thì đòi hỏi “tư duy phi tuyến”. Khổng Minh đã sử dụng tư duy phi tuyến một cách vô cùng tài tình.
Ông xem thiên tượng và dự báo trước được trong 3 ngày tới sẽ có sương mù. Đó là nắm được thiên thời. Ông hiểu rõ lợi thế và nguồn lực của Đông Ngô là thuyền bè, thủy chiến. Đó là nắm về địa lợi. Ông hiểu rõ về tính cách và phong cách tác chiến của Chu Du cũng như Tào Tháo. Ông được sự ủng hộ và hỗ trợ nhiệt tình của Tử Kính. Đó là có được nhân hòa.
Một người khi nắm trong tay cả thiên thời, địa lợi và nhân hòa thì coi như đã nắm trong tay thiên đạo. Do đó, không gì là không thể, biến không thành có, biến không thể thành có thể là trong lòng bàn tay.
Khổng Minh là đỉnh cao của tư duy “mượn lực”. Muốn “mượn lực” được thì cần đòn bẩy lớn. Đòn bẩy càng lớn thì kết quả càng phi thường nhưng đòi hỏi người “mượn lực” cũng phải có thực lực.
Muốn 4 lạng bạt ngàn cân thì phải tìm ra cái 4 lạng. Ở Khổng Minh đó chính là tài trí hơn người, tư duy phi logic khác người. Có thể biến cái hư thành cái thực, cái vô hình thành hữu hình.
“Thuyền cỏ mượn tên”, tinh hoa nằm trong chữ “mượn”. Có thể nói muốn tạo nên cơ đồ lớn thì phải biết “mượn”. Không chỉ mượn lực, mượn sức, mượn vũ khí mà còn phải biết mượn tài chính, mượn mối quan hệ, mượn công nghệ, mượn nội dung... “Mượn” chính là đòn bẩy tạo nên sự phi thường, sự đột phá trong cuộc sống.
Bạn có thể nhìn ngang ngó dọc xung quanh bạn xem, đâu đâu cũng có thể thấy “mượn”. Từ góc nhà ra ngoài ngõ, lên núi cao xuống biển sâu, đâu đâu cũng có thể thấy “mượn”
==========================================
Lịch sử Trung Hoa quả thật đầy rẫy nhân tài, trong đó Gia Cát Khổng Minh nhờ tài trí mà lưu danh thiên cổ, khó ai bì kịp. Nước Nam ta xét về bề dày lịch sử, quy mô diện tích dân số... có thể không bằng, “tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau, song hào kiệt đời nào cũng có”.
Thấm thoắt mới đó mà cũng đã kỷ niệm 70 chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Những ngày tháng khói lửa binh đao nhưng cũng đầy hào hùng và oanh liệt của dân tộc ta, nhân dân ta, đất nước ta.
Đây là một dịp vô cùng đặc biệt, Hùng đã dành thời gian, tài chính để có thể đưa vợ con đi đến Điện Biên Phủ để chiêm ngưỡng cảnh diễu binh của đoàn quân Việt Nam cũng như quân sự của Việt Nam. Thật sự cảm xúc không thể diễn tả được bằng lời.

Điện Biên Phủ là trận đánh quan trọng quyết định tiến trình lịch sử dân tộc cũng như có ảnh hưởng rất lớn đến phong trào giải phóng dân tộc của các nước thuộc địa Á, Phi và Mỹ La Tinh. Điện Biên Phủ là tiếng sấm rền vang, báo hiệu một thời kỳ mới của dân tộc và lịch sử thế giới.
Chúng ta đã chiến thắng giặc Pháp - một trong những đế quốc thực dân mà thuộc địa trải dài từ đông sang tây cũng như được sự hậu thuẫn của đế quốc mạnh nhất lúc bấy giờ - đó là đế quốc Mỹ.
Nên nhớ rằng, Pháp đã xây dựng nên một căn cứ Điện Biên Phủ nằm ở vị trí chiến lược phía Bắc Việt Nam, hòng kiểm soát toàn bộ xứ Đông Dương. Người Pháp và đồng minh tin rằng, Điện Biên Phủ sẽ là pháo đài bất khả xâm phạm.
Xét về lực lượng, quân Pháp đông gấp đôi quân đội nhân dân Việt Nam. Quân đội Pháp gồm bộ binh, pháp binh, cơ giới, không quân, hải quân rất đông đảo và hùng hậu. Trong khi lực lượng Việt Nam chỉ đơn thuần là bộ binh, lực lượng nhỏ pháo binh và phòng không. Có thể nói lực lượng bên chúng ta rất thô sơ so với thực dân Pháp.
Quân đội ta được sự hỗ trợ của đồng minh Trung Quốc và Liên Xô thì một nửa là lượng thực, thực phẩm, số còn lại là vũ khí. Tổng giá trị khoảng 34 triệu đô bằng 0,85% giá trị Mỹ viện trợ cho Pháp trong cuộc chiến này.
Lực lượng và khí tài quá chênh lệch giữa hai bên. Do đó Pháp và đồng minh vô cùng tự tin với kế hoạch tại Điện Biên Phủ. Nên xét theo tư duy duy logic thông thường thì không thể đánh bại.
Trước bối cảnh lịch sử vô cùng quan trọng và cam go, bộ chính trị và chủ tịch Hồ Chí Minh xác định đây là một trận chiến bắt buộc phải xảy ra và chúng ta bắt buộc phải thắng lợi. Điện Biên Phủ là cứ điểm bất khả xâm phạm nhưng chúng ta bắt buộc phải thắng.
Bác Hồ đã giao toàn quyền chỉ huy cho đại tướng Võ Nguyên Giáp với mệnh lệnh “chắc thắng thì mới đánh, chắc thắng 100% thì mới đánh, đã đánh là phải thắng”. Một nhiệm vụ, một trọng trách gần như không tưởng và vô cùng nặng nề.
Ban đầu, đại tướng Võ Nguyên Giáp chủ trương “đánh nhanh, thắng nhanh”, tận dụng lúc quân Pháp chân ướt chân ráo, chưa ổn định và củng cố được lực lượng để tiêu diệt địch trong 3 ngày 2 đêm. Mọi lực lượng đã sẵn sàng, pháo đã lên nòng, đã được kéo lên vị trí chuẩn bị sẵn sàng chờ lệnh.
Nhưng phút cuối, Đại Tướng quyết định để bảo đảm nguyên tắc cao nhất là "đánh chắc thắng", cần chuyển phương châm tiêu diệt địch từ "đánh nhanh thắng nhanh" sang "đánh chắc tiến chắc". Nay quyết định hoãn cuộc tiến công. Ra lệnh cho bộ đội trên toàn tuyến lui về địa điểm tập kết, và kéo pháo ra. Đây là một quyết định khó khăn nhất trong suốt cuộc đời cầm binh của Đại Tướng.
Đại Tướng cho rằng phương án "đánh nhanh thắng nhanh" mang nhiều tính chủ quan, không đánh giá đúng thực lực hai bên, không thể đảm bảo chắc thắng. Ông kiên quyết tổ chức lại trận đánh theo phương án "đánh chắc, tiến chắc", đánh dài ngày theo kiểu "bóc vỏ" dần dần tập đoàn cứ điểm.
Với tư duy phi logic và tầm nhìn chiến lược của mình, Đại Tướng đã chỉ đạo quân và dân ta làm nên chiến thắng lịch sử. Với chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng ta đã viết nên những trang sử hào hùng nhất, góp phần nắn dòng chảy lịch sử thế giới cận đại.
Người Pháp và đồng minh đã đi qua hết từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, đã trải qua những ngày tháng không thể nào quên. Những gì người Pháp và đồng minh tin tưởng ở Điện Biên Phủ đều bị đập tan. Niềm tin của người Pháp ở Đông Dương đã vỡ vụn.
Chúng ta đã biến pháo đài bất khả xâm phạm thành vật trong túi. Chúng ta đã biến điều tưởng chừng như không thể thành có thể, chắc thắng. Chúng ta không chỉ là một phần của lịch sử mà chúng ta đã thay đổi lịch sử.
Tất cả có được là nhờ “mượn” sức mạnh toàn dân, sự ủng hộ của đồng minh cũng như nhân dân thế giới và đặc biệt nổi bật lên là tư duy phi tuyến của đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tất cả đã làm nên trận Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, trấn động địa cầu.
===============================================
Hùng còn nhớ là vào khoảng giữa năm 2023, có dịp ghé Hải Dương thăm một người anh thân thiết. Anh có đưa tôi lên một núi đá gần đó. Tình cờ tôi phát hiện trên một phiến đá có một cây bồ đề nhỏ đang bám rễ vào đó để vươn mình lên. Xung quanh đó tuyệt nhiên không có một cây bồ đề nào cả.
Kỳ diệu thay, Đức Phật giác ngộ dưới gốc cây bồ đề. Tôi tình cờ phát hiện một cây ở đây ngay lúc này “sự giác ngộ tồn tại khắp nơi”.
Tôi thắc mắc, tại sao xung quanh đây không hề có bóng dáng cây bồ đề nào mà ở đây xuất hiện cây con. Người anh có giải thích rằng: “có thể do muông thú mang tới hoặc do chim tha đến”.
Ồ đúng rồi, bồ đề cũng có thể “mượn” lực để phát tán đi xa vạn dặm. Muốn đi xa thì cần phải biết “mượn”.
Với tư duy thông thường, cây phải ra hoa, kết trái rồi rụng xuống sẽ mọc lên thành cây thì chúng ta không thể nào lý giải nổi sự xuất hiện của cây bồ đề tại nơi đó. Nhưng với tư duy phi logic thì mọi thứ đều có thể xảy ra.
Mọi thứ đều có thể xảy ra, cho dù là viển vông, là không tưởng. Nhưng với sự tin tưởng, sự tĩnh lặng nội tâm, trí tuệ và tư duy phi logic, bạn có thể nhấc bổng cả thế giới. Như Archimedes từng phát biểu rằng “Hãy cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ nhấc bổng Trái Đất lên!”.
Yes! Nếu bạn đã đọc tới đây thì có lẽ bạn sẽ biết được rằng những câu chuyện, những bài học mà Hùng nói rằng đáng giá 10.000.000$ (~250 tỷ VNĐ) có lẽ vẫn là sự khiêm tốn, bởi con số, giá trị thực chắc chắn còn to lớn hơn nhiều.
Hy vọng rằng bài Blog này sẽ giúp bạn nhận ra được nhiều bài học quý giá để có thể áp dụng trong công việc và cuộc sống đưa bản thân bạn lên TẦM CAO MỚI.
Chúc bạn thành công
Vì Sứ Mệnh Vĩ Đại Của Bạn
Master Xuân Hùng
Tìm hiểu và tham gia cộng đồng "Hành Trình Khai Sáng" tại đây: https://www.khaisang.vn/